Tiếp tục với chủ đề về Ý tưởng kinh doanh, hôm nay mình sẽ chia sẻ cho các bạn về những câu chuyện kinh doanh và cả những mặt hàng độc đáo mà sinh viên Kinh tế lựa chọn để kiếm xèng. Đây hoàn toàn là những gì mình tự Tổng hợp sau 4 năm ngồi trên ghế nhà trường (Kinh tế quốc dân), tự kinh doanh hoặc chứng kiến bạn bè đã làm.
Người ta nói không sai, sinh viên Kinh tế cứ chỗ nào có tiền là nhảy vào. Họ có tư duy nhanh nhạy, dễ dàng nắm bắt xu thế chung và cả những xu hướng mới. Vào năm nhất, có khá nhiều sinh viên bắt đầu làm thêm với vô vàn mục đích khác nhau: Trang trải học phí, tiếp xúc với xã hội, cải thiện kỹ năng mềm hay đơn giản là được làm những thứ mình thích. Bởi thế, sinh viên mới vào trường hay dính phải những hội Bán hàng Đa cấp hoặc những trung tâm dạy thêm lừa đảo.
Năm nhất, các em từ tỉnh thành khác lên Hà Nội thường làm những việc khá cơ bản như dạy thêm, rửa bát thuê, trông coi quán net, làm bồi bàn và nếu “ngon hơn” có thể làm cộng tác viên bán bảo hiểm, tham gia những đội Marketing Online. Nói chung là làm việc khá vất vì chưa quen với môi trường mới, chưa sắp xếp được thời gian một cách hợp lý hay gặp vấn đề cân đối giữa học tập và làm việc.
Sang đến năm 2, nhiều sinh viên đã bắt đầu có công việc ổn định hơn, làm chủ được thời gian của mình nên rất dễ bị “tham công tiếc việc” hay nói trắng ra là “hám tiền”. Những ca dạy kín tuần, những ca trực thâu đêm khiến sinh viên luôn ở trong trạng thái mệt mỏi và xao nhãng việc học. Có nhiều sinh viên bắt đầu sống với lý tưởng của mình và cho rằng việc học ở trường “Chẳng giải quyết được vấn đề gì”. Họ bắt đầu nhen nhóm ý tưởng kinh doanh với số vốn ít nhất và chấp nhận ra trường với tấm bằng khá hoặc trung bình. Đó là lý do Kinh tế quốc dân có khá nhiều triệu phú với độ tuổi rất trẻ.
Có kể cũng không hết những công việc mà bọn họ đã làm. Nhưng sơ qua thì đó là những việc như: bán đồ lưu niệm, bán hoa, bán bánh trung thu, kinh doanh sách, mỹ phẩm, giày dép,… Có người bán theo mùa vụ, có kẻ bán cả năm. Ngoài ra còn có những ý tưởng độc đáo, táo bạo hơn như mở quán café, kinh doanh thú cưng hay làm dịch vụ với Facebook (cũng là 1 dạng Marketing Online).
Tất bật nhất có lẽ là năm 3, tất nhiên là với những sinh viên đang kinh doanh hoặc đi làm thêm. Việc trả nợ môn luôn khiến họ phải đau đầu – đó là cái giá cho việc đi làm sớm. Các bạn biết đấy, những người đã đi làm rồi thường rất lười học và có học cũng chẳng vào đầu bởi có quá nhiều thứ chi phối họ. Công việc và mối quan hệ ngày càng nhiều hơn làm họ không còn hứng thú chút nào với việc học ở trường. Tóm lại năm 3 sẽ là cuộc chạy đua giữa việc hoàn thành tín chỉ để ra trường và tiếp tục kế hoạch kinh doanh.
Còn sinh viên năm cuối thì sao? Bỏ học, học hộ là chuyện rất bình thường. Có người thi mãi không qua, có người biết mình sẽ chẳng bao giờ qua môn vì đâu có học gì. Và họ tìm đủ mọi cách để ra trường trong thời gian sớm nhất. Những bạn cân đối được giữa việc học và kinh doanh thì đây là thời điểm khá thoải mái bởi năm cuối không còn nhiều môn và vấn đề chỉ là Chuyên đề thực tập tốt nghiệp. Đến lúc này thì các bạn kinh doanh hay đi làm sớm hoàn toàn đã có định hướng cho mình. Từ đó, việc tiến thân cũng trở nên nhanh, mạnh và quyết liệt hơn. Với khả năng của mình, các bạn trẻ bắt đầu có nguồn thu ổn định. Mình có quen một chị, học IELTS 3 năm, đạt 7.5 và bắt đầu dạy tiếng Anh từ khi mới ra trường, hiện tại thu nhập cũng lên tới ngàn đô một tháng. Nhìn thì đơn giản nhưng đó là nỗ lực không biết mệt mỏi của chị. Bao đêm thức trắng để học, học nghe, nói, ghi âm giọng đọc,… cực vất. Khi đã thi xong còn phải tạo bộ giáo án cho riêng mình và cũng mất khá nhiều thời gian để tìm ra phương pháp dạy hiệu quả. Đó muốn thành công phải đánh đổi nhiều vậy đấy.
Tạm thời dừng ở đây nhé. Hi vọng những chia sẻ của mình sẽ mang lại cho các bạn một góc nhìn mới về việc kinh doanh và khởi nghiệp. Đó là một phần rất nhỏ thôi, không quan trọng là bạn biết được những gì mà là bạn làm được những gì. Với mình thành công là sự kết hợp của 2 yếu tố: nỗ lực và khoa học. Để đạt được hai yếu tố ấy phải làm nhiều thứ lắm lắm. Chúc các bạn thành công.
ý tưởng kinh doanh ít vốn,
ý tưởng kinh doanh độc đáo,
y tuong kinh doanh it von 2016,