Thực trạng nhân lực công nghệ thông tin
“Thừa thầy, thiếu thợ” một thực trạng về nhân lực tại Việt Nam đã được đem ra bàn luận rất nhiều trong những năm gần đây. Nhiều nhóm ngành, nghề như kiến trúc – xây dựng, kế toán, kiểm toán có tỉ lệ cung vượt cầu trong khi nhiều nhóm khác như công nghệ thông tin, cơ khí tự động hóa … lại có chỉ số cầu cao hơn cung.
Sự phát triển như vũ bão của Internet đã khiến cho nhu cầu nhân lực về công nghệ thông tin (CNTT) của các công ty trong và ngoài nước đang ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, việc thiếu hụt nhân lực CNTT không phải là vấn đề mới, nhưng tình trạng này đã lên mức báo động đỏ. Theo ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, từ năm 2015 đến 2020, Việt Nam sẽ thiếu 400.000 nhân lực làm CNTT, tức là mỗi năm Việt Nam thiếu 80.000 người. Trong khi đó, mỗi năm thị trường chỉ cung cấp 32.000 sinh viên tốt nghiệp CNTT và các ngành có liên quan đến CNTT.
Tuy nhiên, đối lập với tương lai màu hồng đó là việc nhiều sinh viên tốt nghiệp CNTT ra không tìm được việc hoặc bắt buộc phải làm trái ngành. Lý giải cho nguyên nhân này, đại diện nhà phát hành Game cho biết công ty không yêu cầu quá cao về mặt chuyên môn khi tuyển dụng, nhưng phần lớn sinh viên mới ra trường quá thiếu kỹ năng làm việc và chậm thích nghi với môi trường, văn hóa doanh nghiệp. Điều này gây khó khăn cho quá trình tuyển dụng nhân sự, cũng như làm cho công ty phải tiêu tốn khá nhiều chi phí để đào tạo lại cho các ứng viên.
Giải pháp nào cho sự thiếu hụt nhân sự CNTT? – Cái nhìn từ góc độ vi mô
Lối thoát từ trường nghề
Theo ông Phí Anh Tuấn – Phó chủ tịch Hội tin học TPHCM, hiện nay, một số doanh nghiệp đã chuyển hướng lựa chọn đối tượng tuyển dụng để phù hợp với yêu cầu của công ty. Thay vì tuyển chọn những nhân sự CNTT tốt nghiệp bậc đại học thì các doanh nghiệp tìm đến các trường cao đẳng nghề. Khác với chương trình đào tạo chỉ thiên về lý thuyết ở đại học, các trường cao đẳng nghề tập trung đẩy mạnh thực hành và trải nghiệm thực tế lên nhiều hơn. Có thể nhận thấy, bằng cấp đại học hiện nay đã không còn là con át chủ bài giúp ứng viên ghi điểm với nhà tuyển dụng mà ngược lại những kinh nghiệm, kỹ năng, thái độ làm việc sẽ giúp ứng viên dễ dàng có được cái gật đầu của các chuyên gia săn đầu người. Chính vì thế, thay vì học đại học, cao đẳng, các bạn có thể lựa chọn những trường nghề chất lượng để đảm bảo được đầu ra sau này.
>>Xem thêm blog hot:
- Hướng đi cho dân IT
- Top 10 trường về công nghệ thông tin
Với sinh viên CNTT: Không chỉ chú trọng vào chuyên ngành
Nắm chắc kiến thức chuyên ngành và thành thạo trong thực tế là yêu cầu quan trọng với bất cứ một nhân lực CNTT. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay thì ngoài chuyên ngành, chúng ta cần phải phát triển một cách toàn diện để có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Trình độ ngoại ngữ là điều hết sức cần thiết với nhân sự ngành CNTT. Với tình hình hầu hết các công ty IT thuộc lĩnh vực outsourcing, thường xuyên phải gia công cho các khách hàng nước ngoài, thì khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật là vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên, hầu hết các sinh viên CNTT lại học không tốt tiếng Anh, thậm chí sợ học tiếng Anh. Điều này đã khiến nhiều bạn bỏ qua các cơ hội việc làm tốt. Vậy, làm sao để học tốt tiếng Anh CNTT? Smartjob.vn xin đưa ra cho bạn một số lời khuyên dưới đây.
– Cần có nền tảng cơ bản về Tiếng Anh: Lý do khiến hầu hết sinh viên IT sợ học tiếng Anh là các bạn đã bị mất những kiến thức nền cơ bản từ bậc phổ thông. Do vậy, để có thể học tốt tiếng Anh chuyên ngành, trước hết bạn hãy dành thật nhiều thời gian mỗi ngày để xem lại ngữ pháp, từ vựng, các thì, luyện tập lại kỹ năng nghe-đọc-nói…Tất cả những nền tảng này sẽ giúp bạn dễ dàng hiểu được thuật ngữ, cụm từ trong tài liệu chuyên ngành.
– Rèn luyện kỹ năng đọc, hiểu và “nâng cấp” vốn từ vựng
– Sắm ngay cho mình một cuốn từ điển chuyên ngành CNTT và một cuốn sổ tay ghi chép
– Dành thời gian cho việc mua sách báo, tạp chí song ngữ chuyên ngành CNTT
– Luôn tìm tòi những phương pháp học mới
– Học tiếng Anh mỗi ngày – như một thói quen.
Tiếp đến là kỹ năng mềm. Đây luôn là điểm yếu của nhân lực Việt Nam nói chung nhưng đặc biệt cần nhấn mạnh đối với ngành IT. Những vị trí cao trong bậc thang sự nghiệp trong ngành này đều đòi hỏi các kĩ năng giao tiếp, thuyết trình, trình bày ý tưởng, thuyết phục đối tác, quản lý thời gian và tiến độ.
Với các công ty trong lĩnh vực CNTT: Truyền và giữ lửa cho nhân viên
Sự phát triển của lĩnh vực CNTT đã kéo theo sự phát triển của các công ty trong nước cũng như các công ty nước ngoài. “Nhân lực CNTT của Việt Nam không hề kém” – đó là khẳng định của ông Lã Mạnh Cường – Tổng Giám đốc Luxoft VN. Vậy làm thế nào để có thể thúc đẩy sự phát triển của nguồn nhân lực đã và đang có?
Ngoài việc tự bản thân dân IT phải học hỏi và nâng cao tay nghề thì việc các công ty chú trọng vào đào tạo, khơi gợi và duy trì niềm đam mê của mỗi người cũng vô cùng quan trọng. Theo số liệu thống kê của một website tìm kiếm việc làm cho thấy 75% người tìm việc ngành IT mong muốn một công việc cho họ cơ hội được đào tạo, nhưng chỉ có 14% số công việc IT cung cấp cơ hội đào tạo. Vì thế, những khóa đào tạo về chuyên môn lẫn kỹ năng mềm do các chuyên gia hướng dẫn để nâng cao năng lực cũng như hoàn thiện kỹ năng làm việc của nhân viên công ty là điều rất cần thiết.
“Thừa thầy thiếu thợ” luôn là một bài toán khó giải đối với nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực công nghệ thông tin nói riêng. Nhìn chung, có nhiều giải pháp được đưa ra cho bài toán chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT nhưng bài toán nhiều đáp số này vẫn còn nhiều vấn đề và cần có thêm thời gian để… “bàn”.
công nghệ thông tin,
IT,